Đồng bằng sông Cửu Long - còn được gọi bằng cái tên thân thương là miền Tây hay miền sông nước níu chân biết bao du khách bởi thiên nhiên trù phú, con người hào sảng, chân phương và những tập quán ẩm thực vô cùng phong phú, độc đáo.
Vựa lương thực - cây ăn trái của Đông Nam Á
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được phù sa bồi đắp với hệ thống kênh rạch dày đặc, nổi tiếng với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những vườn cây trái bạt ngàn, sản vật trù phú và con người vừa hào sảng, khí khái, vừa chân chất, mộc mạc. Nơi đây còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng khi sở hữu nhiều vườn quốc gia, sân chim với vô số loài chim muông và động, thực vật quý hiếm.
Nhờ mưa thuận gió hoà và phù sa bồi đắp từ hai dòng sông Tiền - sông Hậu, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, nổi bật là vựa lúa cùng các loại cây ăn quả như chôm chôm, vú sữa, măng cụt, chuối, sầu riêng, dừa… Người ta cũng có câu “trên cơm, dưới cá” để nói về thói quen ăn uống của người dân địa phương, bởi ai lớn lên ở nơi đây đều gắn bó với những bữa cơm có cá, tôm mỗi ngày.
“Đất lành chim đậu”, nhờ sự trù phú và ấm no, đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như người Kinh, người Khmer, người Chăm, người Hoa… đưa đến sự đa dạng nhiều màu sắc trong văn hóa và đời sống tinh thần. Ví như trong tập quán cúng lễ, nếu như người Việt cúng bằng cơm, bánh ít, bánh tẻ thì người Hoa lại cúng bằng chè ỉ (còn gọi là bánh trôi tàu), bánh tổ và người Chăm dùng bánh dipagòn - một loại bánh truyền thống được làm từ nếp trộn vớt cốt dừa.
Từ cuối tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm mùa nước nổi. Lúc này, du lịch miền Tây lại khoác lên mình lớp áo hữu tình, mộc mạc mà quyến rũ khiến những tín đồ đam mê khám phá háo hức tìm về. Mùa nước nổi kéo theo những đàn cá rô đồng, cá linh và sự sinh trưởng của bông súng, bông điên điển như những món quà của đất trời. Với bao nhiêu sản vật tươi ngon sẵn có, bàn tay khéo léo của người dân địa phương đã sáng tạo nên nhiều món ăn mà chỉ cần nếm qua hương vị cũng khiến du khách lưu luyến không quên.
Khẩu vị độc đáo của người dân đồng bằng sông Cửu Long
Ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long dù dân dã, giản dị nhưng lại có sự kết hợp hài hoà giữa nhiều hương vị.
Đặc biệt, người dân ở đây luôn đẩy hương vị lên cao nhất: ví dụ như đặc sản kho quẹt là món mắm đặc biệt đậm đà, siêu hấp dẫn nhờ kết hợp hài hòa với vị mặn, cay, béo, ngọt đặc trưng; khi ăn cay thì phải cay đến xé lưỡi như món lẩu gà ớt hiểm hay bún bò cay Bạc Liêu với ớt, sả, hồi, quế; hay khi ăn ngọt thì phải ngọt như chè như bánh mới thực “đã”, đồng bào nơi đây còn có nhiều loại bánh ngọt như bánh chuối hấp, bánh pía, bánh bò thốt nốt Khmer, đến cả bánh đúc cũng có bánh đúc ngọt.
Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là những rừng dừa nước mênh mông đã đi vào ca dao “Quê tôi mấy đảo dừa xanh/ Châu Thành, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày”, dừa được người dân sử dụng trong nhiều món ăn như thịt kho dừa tươi, cơm dừa tươi, chuối hầm dừa, mắm lóc chưng nước cốt dừa, cua đồng kho sả nước cốt dừa, ốc len xào dừa…
Một nguyên liệu nữa rất thân quen trong bữa cơm của người dân nơi đây là chao, một nguyên liệu được dùng chế biến các món kho, món nướng và lẩu. Có người gọi chao là “phô mai châu Á”, nhờ vào vị béo đặc trưng của đậu hũ lên men. Trong số những món ăn dùng chao, phải kể tới lẩu vịt nấu chao, với thịt vịt ninh nhừ mềm mọng, khoai môn dẻo bùi, nước dùng dậy mùi với vị beo béo của chao, cân bằng với rau muống mát ngọt.
Người dân miền Tây còn có biệt tài chỉ từ một nguyên liệu mà biến tấu ra biết bao những món ăn khác nhau, như chỉ từ cá lóc mà chế biến ra một loạt các món, từ khô cá lóc đến bánh canh cá lóc, rồi cá lóc đắp bùn, cá lóc nướng trui, cá lóc hấp, canh chua cá lóc, cá lóc kho, mắm cá lóc… Điều đó cho thấy người dân nơi đây không chỉ sành ăn mà còn là những đầu bếp rất mực khéo léo và tài ba.
Những món ăn nhất định phải thử ở miền sông nước
Khoảng từ cuối tháng 7 trở đi là mùa nước nổi, lúc này thiên nhiên ban tặng cho miền Tây nhiều sản vật tươi ngon, bổ dưỡng như cá linh và bông điên điển - hai nguyên liệu chính tạo ra món lẩu cá linh bông điên điển nức tiếng. Cá linh được đánh bắt tại sông ngòi, kênh rạch có vị thơm ngon, xương cá mềm trong khi bụng mỡ béo ngậy, kết hợp cùng bông điên điển có hương vị đặc trưng, vừa giòn thơm, vừa bùi béo, mang đậm hương vị đồng nội. Lẩu cá linh bông điên điển còn được dùng kèm với các loại rau dân dã nhiều màu sắc, trở thành món ăn vào hàng đặc sắc nhất miền Tây làm say lòng bao thực khách.
Nếu có dịp ghé chơi An Giang, bạn đừng quên thử một bát bún cá Long Xuyên, với những miếng cá vàng ươm, nước dùng vàng óng từ củ ngải bún, cá lóc béo mầm, cùng các loại rau cỏ địa phương như bông điên điển. Điểm nhấn của bát bún cá là mắm ruốc được chế biến cầu kỳ bằng cách bọc trong lá chuối và đem nướng cho đến khi hương thơm xông lên ngào ngạt. Khi ăn nóng, bát bún cá sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên.
Một món ăn khác gây tò mò ngay từ tên gọi, là bún quậy Phú Quốc. Được gọi là bún quậy vì món ăn này phải ăn kèm với một món nước chấm tự pha, gồm trái tắc, ớt, đường, bột ngọt, sau đó quậy lên đều để gia vị hoà tan, sánh lại và chuyển sang màu cam. Ngoài ra, món bún gồm rất nhiều các loại “topping” hấp dẫn như chả cá thác lác, tôm tươi, tôm khô, kết hợp với nước dùng thanh ngọt tạo nên một hương vị giản dị mà ấn tượng khó phai.
Trong hành trình khám phá miền Tây, bạn không nên bỏ lỡ các loại mắm Châu Đốc - đặc sản cầu kỳ bậc nhất của vùng sông nước An Giang. Nghề làm mắm Châu Đốc ra đời gần 150 năm, làm ra rất nhiều loại mắm có hương vị đặc trưng khác nhau. Với bề dày lịch sử lâu đời, mắm Châu Đốc không chỉ là món ăn nổi tiếng mà còn trở thành biểu tượng ẩm thực miền Tây. Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị mắm Châu Đốc, du khách có thể dùng trực tiếp để cảm nhận vị ngọt thuần túy của các loại cá, tôm kết hợp với cách nêm nếm gia vị đặc trưng. Ngoài ra, mắm còn được dùng để chế biến những món ăn phổ biến khác như mắm kho, lẩu mắm hay bún mắm. Mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá lóc, mắm ba khía, mắm cá trèn… là những đặc sản nổi bật được đông đảo du khách lựa chọn làm quà mỗi dịp du lịch miền sông nước.
Điểm chung của những món ăn miền Tây sông nước là nguyên liệu đều được nêm nếm và tẩm ướp gia vị kỹ càng để thổi bùng hương vị, kích thích tất cả các giác quan. Với bộ sản phẩm nước tương - dầu hào - hạt nêm MAGGI, bất cứ ai cũng có thể tự tay chế biến những món đặc sản đúng vị, đậm đà, chứa đựng tâm hồn của văn hoá ẩm thực Việt.
Với người dân miền Tây Nam Bộ, những món ăn còn là tâm tình được gửi gắm của người dân nơi miệt vườn sông nước. Đó là những món ăn rất dân dã, mộc mạc, chân chất, thể hiện lòng trân quý với từng hạt lúa, hạt gạo, từng sản vật của biển, của sông, của đất.